Đỏ mắt tìm lao động phổ thông

48% nhu cầu tuyển dụng ở TP HCM trong tháng 5 là lao động phổ thông, tập trung ở lĩnh vực dệt may, bán hàng, mỹ nghệ, phục vụ... nhưng nhiều công ty "bói" không ra người, kể cả khi dán khắp cột điện, bờ tường. > Tốt nghiệp đại học về quê làm công nhân > Kế toán trưởng thất nghiệp hàng loạt

 

Cơ sở may mặc của anh Tân, quận 5 mấy ngày nay ráo riết tuyển 10 nhân viên may có tay nghề để kịp giao hàng trong 2 tháng tới nhưng bất thành. Đơn hàng của các "ông lớn" trong ngành dồi dào nên từ đầu năm đến nay, những đơn vị nhỏ lẻ vẫn có đồng vào đồng ra, chứ không tới mức ế ẩm.

"Cái khó hiện nay là không tìm được người có tay nghề để bắt nhịp nhanh với guồng máy", anh than. Hiện tại, anh sử dụng các nhân viên sẵn có và tăng ca liên tục cho kịp tiến độ. Định mượn nhân sự của đồng nghiệp nhưng những lao động này cũng đầy việc và không còn sức lực làm thêm cho cơ sở của anh.

"Tôi đã gửi thông tin tới các nơi đăng tuyển lao động phổ thông nhưng chưa có phản hồi, thậm chí dán tờ rơi trên cột điện, bờ tường để cầu may", anh kể. 

Anh Hùng, quản lý doanh nghiệp đồ gỗ ở quận Bình Thạnh cho biết đang cần 10 lao động khuân vác, phụ lắp ráp nhưng mới có 3 hồ sơ gửi tới. Cung ít cầu nhiều nên những lao động này được nhận ngay. Cái khó hiện nay là người lao động vừa mới quen công việc vài tháng lại chủ động xin nghỉ vì lương 3,5-4 triệu đồng một tháng không đủ sống. Những người tìm đến đây chủ yếu làm tạm bợ, khi chọn được nơi ưng ý hơn, họ sẽ chuyển sang nơi khác ngay.

"Nếu nhân sự biến động liên tục, hoạt động kinh doanh không hiệu quả nhưng công ty không có khả năng tăng lương như mong muốn của người lao động", anh Hùng nói.

Ông Phạm Xuân Hồng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam, Chủ tịch Hội dệt may thêu đan TP HCM cho biết, hiện số đơn hàng tăng 15-20% so với cùng kỳ nên ngành có nhu cầu tuyển thêm 10% trên tổng lao động hiện có nhưng không dễ. Phần lớn người có tay nghề không muốn nhảy việc sang công ty khác khi thu nhập hiện tại ổn định. Lương bình quân ngành này khoảng 4,5 triệu đến 5 triệu đồng.

Thu nhập thấp nên nhiều lao động bỏ thành phố về quê khiến tình trạng thiếu lao động phổ thông ở mức căng thẳng.

Làm nhân viên may 4 năm, chị Thắm, quận 7 cho biết nhận có 4 triệu đồng mỗi tháng. Đây là mức lương chỉ đủ trang trải vì sau khi trừ chi phí thuê nhà, chi tiêu sinh hoạt không còn dư dả bao nhiêu để gửi về quê. Cách đây 2 tháng, chị Thắm quyết định làm việc tại một công ty may xuất khẩu ở Long An. Mức thu nhập khoảng 4,5 triệu đồng một tháng nhưng sống thoải mái hơn vì gần với gia đình và có thể tiết kiệm một khoản chi phí đi lại, tiền nhà.

Anh Hiền, 21 tuổi, làm khuân vác 2 năm tại một cửa hàng chuyên cung cấp nguyên liệu bột làm bánh ở quận Tân Bình. Anh tâm sự, lương khoảng 3 triệu đồng một tháng, làm việc 8 tiếng một ngày trong cả tuần. Mỗi tháng anh chỉ để dành vài trăm nghìn cho bản thân, số tiền còn lại gửi về nhưng cũng chẳng đáng là bao. Với giọng đượm buồn, anh định làm 2 tháng nữa sẽ về quê Sóc Trăng để phụ sửa xe vì "lương cũng tương đương như Sài Gòn nhưng sẽ dễ thở hơn".

Theo thống kê từ Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP HCM, nhu cầu lao động toàn thành tháng 5 trên 20.000 chỗ làm. Trong đó cần tới 48% lao động phổ thông và lao động có trình độ sơ cấp, 20% kỹ thuật lành nghề và trung cấp, 15% cao đẳng và 17% đại học trở lên. Nhân viên kinh doanh, bảo vệ, giúp việc nhà… chiếm 56% trong tổng số nhu cầu tuyển dụng lao động phổ thông. Dệt may giày da, công nghệ thông tin, kiến trúc - xây dựng công trình, vận tải - kho bãi - xuất nhập khẩu cũng hút nhiều nhân sự dạng này.

Ông Nguyễn Văn Sang, Phó giám đốc hướng nghiệp và dạy nghề - giới thiệu việc làm Thanh Niên là chỉ tiêu tuyển dụng 119 nhân viên may thêu có tay nghề còn khó tuyển hơn các ngành đòi hỏi có chuyên môn. Một số đầu việc còn trống khác là nhân viên bảo vệ, nhân viên bốc xếp, dán nhãn và nhân viên chế biến thủy sản.

Hiện nay, nhu cầu tuyển tăng nhưng số người tìm việc giảm 30% so với năm ngoái. Giải thích hiện tượng này, ông Sang cho hay nguyên nhân có thể do người dân muốn nâng cao tay nghề để tăng thu nhập, không muốn làm việc theo dạng lao động phổ thông. Có người làm việc ở các khu công nghiệp, chế xuất ngay trên quê nhà để tiết kiệm chi phí.

Trao đổi với VnExpress.net, đại diện một trang web tuyển dụng việc làm ở quận Tân Phú cho biết nhu cầu tuyển lao động phổ thông tập trung vào các đầu việc như bán hàng, bảo vệ, công nhân, lái xe. Trong một tháng gần đây, phía tuyển dụng cần 64 vị trí lao động phổ thông, nhưng chỉ có khoảng 33 người tìm việc.

Ông Nguyễn Tấn Định, Phó ban quản lý các khu chế xuất, khu công nghiệp TP HCM cũng chia sẻ, công nhân hiện cân nhắc việc nộp hồ sơ xin việc vào các công ty, trong đó mức lương, chế độ làm việc được quan tâm nhất. Lao động có xu hướng chọn doanh nghiệp có làm tăng ca để cải thiện thu nhập, nhưng tổng thu nhập ở các công ty trong khu chế xuất gần giống như nhau, dao động từ 3,5 triệu đến 4,5 triệu đồng một tháng.

Bảng Giá Dịch Vụ

Scroll